Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Bệnh viện FV 10 năm chung sức cùng y tế Việt Nam

Không những cùng chung sức với ngành y tế cả nước trong khám chữa bệnh cho người dân, Bệnh viện Pháp Việt còn là một trong những nhà đầu tư y tế nước ngoài tại VN có hiệu quả.

Nhà đầu tư y tế tiên phong

FV là một trong số ít bệnh viện 100% vốn nước ngoài tiên phong đầu tư vào VN. Đến nay đã trải qua 10 năm đi vào hoạt động, cho thấy sự thành công của Bệnh viện FV về các mặt: chăm sóc sức khỏe cho người dân; góp phần vào xã hội hóa y tế; và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài thành công tại VN.

Nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao của người dân, năm 1997, VN khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế. Khi ấy, bác sĩ Jean-Marcel Guillon (hiện là Tổng giám đốc Bệnh viện FV) đã nắm lấy cơ hội quý giá này, ông cùng những nhà sáng lập mạnh dạn đầu tư một bệnh viện tại VN, với vốn khởi đầu 40 triệu USD. Suy nghĩ của bác sĩ Jean-Marcel Guillon lúc ấy là mong muốn có được một bệnh viện mang chuẩn quốc tế ở VN; giúp người bệnh trong nước tiếp cận được những dịch vụ, kỹ thuật y tế cao, đỡ phải ra nước ngoài chữa trị tốn kém về tài chính và thời gian. Bước đầu có nhiều khó khăn, nhưng với sự nhiệt huyết, quyết tâm của bác sĩ Jean-Marcel Guillon cùng những đồng nghiệp, và sự tạo điều kiện của UBND TP.HCM, Bộ Y tế…, nên 5 năm sau (vào năm 2003), Bệnh viện FV hình thành và chính thức đón những bệnh nhân đầu tiên.


Từ số vốn khởi đầu 40 triệu USD năm 2003, đến nay tổng số vốn đầu tư cho Bệnh viện FV đã tăng lên 55 triệu USD
Từ số vốn khởi đầu 40 triệu USD năm 2003, đến nay tổng số vốn đầu tư cho Bệnh viện FV đã tăng lên 55 triệu USD
Nhớ lại ngày đầu đón những bệnh nhân đầu tiên đến từ các tỉnh miền Tây, bác sĩ Jean-Marcel Guillon nói: “Chúng tôi lo lắng sẽ có nhiều khó khăn khi bệnh viện đi vào hoạt động nhưng rồi mọi việc cũng đâu vào đấy. Đến nay bệnh viện đã có lượng bệnh nhân ổn định và mỗi ngày một tăng; nhiều nhân viên, bác sĩ gắn bó với bệnh viện từ khi mới thành lập đến nay”.

FV còn là bệnh viện tiên phong phát triển dịch vụ du lịch kết hợp khám chữa bệnh, đã thu hút hàng ngàn bệnh nhân có thu nhập cao từ các nước khác đến điều trị, mà nhiều nhất là người Campuchia. Điều này góp phần không nhỏ trong việc đưa ngoại tệ và bệnh nhân nước ngoài về VN cũng như “giữ chân” bệnh nhân trong nước, hạn chế chảy ngoại tệ ra nước ngoài trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, FV cũng là bệnh viện đầu tiên tại VN nhận chứng nhận HAS - một chứng chỉ y tế uy tín trên thế giới; và bệnh viện đang nỗ lực để nhận Chứng chỉ JCI - một trong những chứng chỉ y tế dành cho các bệnh viện đạt chất lượng trên toàn thế giới. Ngày 18.4 vừa qua, nhân dịp Bệnh viện FV kỷ niệm 10 năm hoạt động, đại diện Bộ Y tế, UBND TP.HCM, Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM… đã đến tham dự, và phát biểu ghi nhận những nỗ lực, góp phần của FV trong việc xã hội hóa y tế, và đầu tư nước ngoài vào VN.

 Bệnh viện FV 1

Tại Lễ Kỳ niệm 10 năm Thành lập Bệnh viện FV tháng 4 vừa qua, đại diện Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân

Hướng đến chất lượng

FV là bệnh viện đa khoa (gồm 30 chuyên khoa), với 220 giường bệnh nội trú và 9 phòng mổ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện FV hiện đại, phòng bệnh sạch sẽ; nhân viên, bác sĩ tận tình hướng dẫn và tư vấn kỹ lưỡng trong quá trình điều trị, nhằm đem lại chất lượng khám và điều trị tốt nhất. Nhờ đó, lượng bệnh đến Bệnh viện FV ngày càng tăng, hiện bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1.000 - 1.400 lượt bệnh nhân, góp phần hiệu quả cùng với ngành y tế trong nước trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân và giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện công.


Bệnh viện FV 2

Cơ sở vật chất hiện đại và đầy đủ tiện nghi của bệnh viện

75% lượng bệnh đến với FV là người Việt  từ khắp mọi miền đất nước; 25% lượt bệnh là người nước ngoài sống và làm việc tại VN. Điều đó cho thấy, ngày càng có nhiều người bệnh trong nước tin tưởng vào chất lượng điều trị của FV, họ chọn FV thay vì ra nước ngoài chữa trị, tiết kiệm được cả chi phí và thời gian. Bác sĩ Jean-Marcell Guillon chia sẻ:  “Bệnh nhân là mối quan tâm hàng đầu của FV. Do vậy, FV luôn nỗ lực để đáp ứng mọi nhu cầu của người bệnh, từ điều trị, chăm sóc và các dịch vụ đi kèm; giúp bệnh nhân cảm giác an tâm và thoải mái như ở nhà của họ”. Được biết, hiện nay tổng số vốn đầu tư của Bệnh viện FV đã lên đến 55 triệu USD, thể hiện cam kết hướng đến đầu tư lâu dài, ổn định tại VN của tập thể lãnh đạo.

Không những quan tâm về chuyên môn, hằng năm Bệnh viện Pháp Việt phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước chữa trị cho nhiều người bệnh nghèo, những ca bệnh khó (như ca phẫu thuật lấy khối u nặng 90 ký cho bệnh nhân Nguyễn Duy Hải gần đây). Bệnh viện còn phối hợp với Báo Thanh Niên lập Quỹ nâng bước tuổi thơ để phẫu thuật giúp trẻ em nghèo mắc dị tật bẩm sinh, di chứng tai nạn và đã chữa trị thành công cho hơn 100 em mỗi năm.


Bệnh viện FV 3
Bệnh nhân Nguyễn Duy Hải đã tìm lại cuộc đời nhờ thành công từ ca đại phẫu lịch sử tại Bệnh viện FV

Thùy Lâm _ báo Thanh Niên

Nhờ bệnh viện FV, tôi đã thoát khỏi tử thần!

Chiến đấu chống lại bệnh tật với tất cả nghị lực cùng với phương pháp điều trị hiện đại của bệnh viện FV (Pháp Việt), giờ đây anh Lời đã phục hồi sức khỏe và sống hạnh phúc bên gia đình của mình.
Nhìn người đàn ông khỏe mạnh, phúc hậu với nụ cười luôn nở trên môi, ít ai nghĩ chỉ cách đây không lâu anh Nhâm Văn Lời (TP.HCM) vẫn còn phải vật vã chống lại những cơn đau dai dẳng hành hạ cả ngày lẫn đêm của bệnh ung thư đại tràng. Chiến đấu chống lại bệnh tật với tất cả nghị lực cùng với phương pháp điều trị hiện đại của bệnh viện Pháp Việt, giờ đây anh Lời đã phục hồi sức khỏe và sống hạnh phúc bên gia đình của mình.

9 ngày và 2 ca mổ 

Cách đây khoảng 4 năm, anh Nhâm Văn Lời thấy nóng ran vùng bụng dưới. Khi thấy mức độ các cơn đau ngày càng tăng và liên tục, hành hạ anh ngay cả lúc ngủ, anh Lời đến khám tại một bệnh viện tư và được bác sĩ kê toa thuốc trị đau dạ dày. Tuy nhiên, uống suốt sáu tháng mà anh không thấy đỡ.

Rồi một lần, đang tập thể dục buổi sáng, anh Lời phát hiện vùng bụng dưới có gì đó cỡ bằng quả trứng gà lồi lên một cách bất thường, ấn vào không đau. Sau đó, anh sốt cao triền miên mấy ngày liền. Điều trị tại bệnh viện, anh được phẫu thuật cấp cứu đưa một đoạn ruột già ra bên ngoài thành bụng để làm hậu môn nhân tạo. Phần ruột bị viêm đã được cắt bỏ. Song do khối bướu khá lớn nên bác sĩ chưa thể xử lý ngay được. Sau khi xuất viện, anh liên tục sốt cao, bụng càng lúc càng trướng to và cơn đau ngày một dữ dội khiến anh ngất lên ngất xuống. Anh lại phải nhập viện và phẫu thuật lần thứ hai chỉ sau cuộc phẫu thuật lần đầu 9 ngày. Bướu đại tràng vỡ gây nhiễm trùng ổ bụng là nguyên nhân khiến bụng anh Lời trướng to và đau đớn. Kíp mổ đã phải sử dụng hơn 14 lít nước mới rửa sạch ổ bụng cho anh Lời. Tỉnh lại sau ca mổ, anh Lời thất vọng vì vẫn thấy túi phân lủng lẳng bên hông. Nỗi thất vọng càng nhiều hơn khi gia đình được thông báo rằng các bác sĩ chỉ giải quyết tình trạng nhiễm trùng, còn khối bướu vẫn chưa thể cắt bỏ được. Khi sức khỏe khá hơn sau hai ca mổ, anh Lời bắt đầu quá trình hóa trị. Nhưng ngặt một nỗi, nguồn hóa chất không đủ đã ảnh hưởng đến quá trình điều trị của anh Lời. Ngày đêm, anh Lời vẫn bị những cơn đau dữ dội tưởng như bất tận hành hạ. Đến lúc này, vợ chồng anh quyết định tìm đến Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV (Pháp Việt).
Anh Lời hồi phục sức khỏe nhanh chóng sau điều trị
Anh Lời hồi phục sức khỏe nhanh chóng sau điều trị

Chưa bao giờ nghĩ đến cái chết và thôi hy vọng

Sau khi thăm khám và tiến hành các khảo sát cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ Võ Kim Điền đã giải mã được nguyên nhân của những cơn đau triền miên. Anh Lời vẫn còn mang một khối bướu ở vùng chậu, kích thước lên đến 8cm. Khối bướu này xâm lấn vào niệu quản gây ứ nước ở thận. Ngay lập tức, sau khi bệnh án của anh Lời được thảo luận kỹ lưỡng tại buổi hội chẩn liên chuyên khoa trong Bệnh viện FV, một chiến lược điều trị tối ưu được bác sĩ Điền thông báo cho gia đình. Theo đó, trước tiên anh Lời được bác sĩ Niệu khoa đặt thông niệu quản để giải quyết hiện tượng chèn ép niệu quản và bảo vệ thận. Tiếp theo, bác sĩ Điền tiến hành xạ trị kết hợp hóa trị đồng thời vào khối bướu vùng chậu. Xạ trị trước khi phẫu thuật sẽ làm giảm kích thước cùng với sự xâm lấn của khối bướu, giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ, tăng tỷ lệ khỏi bệnh. Và điều được nhiều bệnh nhân trông đợi là có thể tránh được việc phải mang hậu môn nhân tạo suốt đời.

Tái khám tại bệnh viện FV
Tái khám tại bệnh viện FV

Hai tháng sau khi kết thúc xạ trị, gia đình anh vui mừng khôn tả và tràn trề hy vọng khi biết kết quả kiểm tra: khối bướu vùng chậu biến mất gần như hoàn toàn trên lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và nội soi. Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho anh khi lần thứ ba nằm trên bàn mổ. Một lần nữa, việc đầu tiên anh làm khi tỉnh dậy trong phòng hồi sức là đưa tay tìm túi đựng phân. Niềm vui vỡ oà khi anh không thấy “nó” và các vết mổ trên bụng đều được may kín. Gia đình càng vui hơn khi được các bác sĩ thông báo, khối bướu đã được cắt bỏ hoàn toàn.

Điều trị ung thư tại bệnh viện FV: Nỗ lực từ hai phía

Công tác lâu năm trong ngành ung thư, bằng tất cả nỗ lực bản thân cùng với sự hợp tác của người bệnh và thân nhân của họ, bác sĩ Võ Kim Điền, Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV(Pháp Việt) đã cùng nhiều bệnh nhân chiến thắng căn bệnh nan y.
Đã hơn 20 năm công tác trong ngành ung thư, bác sĩ Võ Kim Điền, Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV(Pháp Việt), đã chứng kiến không ít chuyện vui buồn của các bệnh nhân. Bằng tất cả nỗ lực bản thân cùng với sự hợp tác của người bệnh và thân nhân của họ, bác sĩ đã cùng nhiều bệnh nhân chiến thắng căn bệnh nan y. Với kinh nghiệm điều trị toàn diện, bác sĩ Võ Kim Điền đã chia sẻ với chúng tôi về những khoảnh khắc và suy nghĩ rất thật của mình.
Vào tháng 3 năm 2010, như nhiều bệnh nhân ung thư khác, ông Trần Văn Trình tìm đến Trung tâm Hy Vọng, bệnh viện FV với suy nghĩ “còn nước còn tát”. Với nhiều người, Ung thư mặc nhiên là “án tử”. Vì thế, ông Trình lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi được thông báo ông bị ung thư tuyến tiền liệt xâm lấn trực tràng. Hơn thế nữa, trước khi đến Trung tâm điều trị Ung thư Hy vọng, bệnh viện FV ông được chẩn đoán là Ung thư trực tràng, phải cắt bỏ toàn bộ trực tràng – hậu môn và phải mang hậu môn nhân tạo ở thành bụng suốt đời.

Bác sĩ Điền tại trung tâm  điều trị ung thư Hy Vọng bệnh viện FV (Pháp Việt).
Tình huống khủng hoảng tâm lý rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là phải vực dậy tinh thần của bệnh nhân. Khi đối diện với ông, tôi đã sử dụng những hình ảnh minh họa và giải thích cho ông rõ tình trạng của mình. Cuối cùng, ông Trình đã hiểu thấu đáo bệnh tình và phương thức điều trị. Ông quyết tâm hợp tác với ê – kíp điều trị của Trung tâm điều trị Ung thư Hy vọng bệnh viện FV. Sau hơn 2 năm điều trị và theo dõi, sức khoẻ của bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Điều mà ông thường chia sẻ với người thân, bạn bè và những bệnh nhân khác là sự chính xác trong chẩn đoán, sự hợp lý và tối ưu trong điều trị của Trung tâm điều trị Ung thư Hy vọng, bệnh viện FV. Nhờ đó, ông đã chiến thắng bệnh tật.
Trong y khoa, không phải lúc nào các bác sĩ cũng điều trị thành công, nhất là khi gặp những trường hợp hiếm hoặc khó. Những lúc này, từ chối điều trị là việc rất dễ làm và chẳng ai trách được mình. Nhưng nếu đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân và thân nhân, chúng ta sẽ cảm thấy lòng bất an. Như trường hợp của anh Nguyễn Thành Phong bị ung thư nội khí quản. Khối bướu phát triển ngay bên trong đường thở gây khó thở và đe dọa mạng sống của bệnh nhân từng ngày từng giờ. Vợ chồng anh Phong khăn gói từ quê nhà lên nhập viện ở hầu hết các bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Đến đâu anh chị cũng đều nhận được những cái lắc đầu từ chối vì nguy cơ thất bại điều trị quá cao. Khi anh chị tìm đến bệnh viện FV vào tháng 6 năm 2005, chúng tôi đã thăm khám kỹ lưỡng trường hợp này, tham khảo y văn và trao đổi ý kiến từ xa với các đồng nghiệp ở một số Trung tâm điều trị Ung thư và các bệnh viện Tai – Mũi – Họng ở Pháp. Sau khi được giải thích cặn kẽ bệnh trạng, phương thức điều trị và tỉ lệ thành công, anh Phong chấp nhận và tin tưởng vào phương án kết hợp phẫu thuật và xạ trị do chúng tôi đề nghị. Cuối cùng, sự nỗ lực của cả bệnh nhân lẫn bác sĩ cùng với những kỹ thuật tân tiến tại Trung tâm Hy vọng, bệnh viện FV đã đem lại thành công ngoài mong đợi. Hiện nay, anh Phong đã bước sang năm thứ 8 tính từ ngày anh đặt chân đến bệnh viện FV.
 
Bác sĩ Điền và một bệnh nhân đã điều trị thành công bệnh ung thư tại bệnh viện FV (Pháp Việt).
Bác sĩ Điền và một bệnh nhân đã điều trị thành công bệnh ung thư tại bệnh viện FV (Pháp Việt).

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh làm tôi nhớ mãi như là một tấm gương về nghị lực đáng cho bất cứ ai cũng phải nghiêng mình. Vào tháng 4 năm 2005, chị Linh tìm đến bệnh viện FV vì đi tiểu ra máu. Chúng tôi đã xác định được chị bị ung thư trực tràng và phải xạ trị kết hợp hóa trị trước phẫu thuật. Ngay sau hóa trị đợt đầu tiên, chị bị giảm bạch cầu nghiêm trọng, phải nhập viện để được điều trị cách ly tránh nhiễm trùng trong một thời gian khá dài. Dù đã được báo trước, nhưng vẫn nản lòng vì gián đoạn điều trị và vì biến chứng hóa trị, người nhà khuyên chị chuyển viện. Tuy nhiên, chị đã kiên quyết ở lại với chúng tôi. Nghiệt ngã thay, khi sức khoẻ chị hồi phục để có thể tiếp tục điều trị thì cũng là lúc tôi phát hiện chị bị di căn vào xương. Người phụ nữ can đảm này quyết không đầu hàng số phận, vẫn vững niềm tin vào chúng tôi và tuân thủ trọn vẹn phác đồ xạ trị rồi hóa trị qua nhiều tháng. Chính nghị lực của mình đã giúp chị Linh chiến thắng ung thư, hồi phục và ổn định sức khoẻ cho đến tận hôm nay.
Tôi luôn tâm niệm nghề y là nghề phải học thường xuyên và học liên tục. Mỗi bệnh nhân là một bài học mà mình phải học cả đời. Bệnh nhân chính là người thầy dạy cho mình những kiến thức y khoa từ nỗi đau thể xác của họ. Vì vậy, nếu muốn thầy truyền cho bí kíp thì phải dành cho họ sự tôn trọng và làm cho họ tin tưởng vào mình.

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Phòng và chữa bệnh ung thư đại – trực tràng

Ung thư đại trực tràng là ung thư khởi phát ở ruột già, đoạn cuối của ống tiêu hóa. Đó là bệnh có thể điều trị và phòng ngừa được. Để biết thêm thông tin về phòng chữa căn bệnh nguy hiểm này, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Phòng và chữa bệnh ung thư đại   trực tràng


Chữa trị ung thư đại – trực tràng

Việc điều trị bệnh ung thư đại – trực tràng theo mô hình đa thức gồm: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.Hiện nay người ta còn sử dụng thêm liệu pháp nhắm trúng đích (targeted therapy), là phương pháp mới trong hóa trị hỗ trợ. Mỗi giai đoạn của ung thư sẽ áp dụng những phương thức điều trị khác nhau.

Phẫu thuật

Phương pháp điều trị chính của ung thư đại tràng là phẫu thuật. Đoạn đại tràng có ung thư cùng với các hạnh đi kèm được bác sỹ cắt bỏ đi. Hai đầu ruột được nối lại với nhau, người bệnh vẫn có thể đi đại tiên được.

  • Trường hợp ung thư dính xâm lấn vào đoạn ruột bên cạnh, vào dạ dày, hoặc vào thành bụng, phải cắt kèm theo nhiều tạng thành một khối.
  • Ung thư đại tràng lên, đại tràng ngang được cắt đại tràng phải.
  • Ung thư đại tràng xuống, đại tràng sigma được cắt đại tràng trái.
  • Ung thư trực tràng có thể cắt đoạn hoặc cắt cụt trực tràng thuộc vị trí khối u.

Điều trị bổ sung: Ung thư đã di căn vào hạch, cần điều trị và ngăn ngừa di căn bằng phương pháp hóa trị liệu. Trong trường hợp khối u trực tràng lan rộng, nên xạ trị trước khi mổ. Sau mổ có thể xạ trị tiếp hoặc hóa trị. Xạ trị và hóa trị có tác dụng hỗ trợ phẫu thuật.

Biến chứng sau mổ có thể gặp như:


  • Chảy máu
  • Tổn thương cơ quan kề bên trong khi mổ
  • Bục miệng nối đại tràng (hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm)
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Tắc ruột sau mổ do dây dính

Xạ trị

Phương pháp xạ trị chính là dung các tia năng lượng cao ( tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm teo tế bào. Có nhiều cách xạ trị, có thể từ bên ngoài cơ thể, bên trong hoặc ghim vào mô bướu.

Xạ trị được dùng để hỗ trợ sau mổ, diệt các tế bào ung thư còn sót lại mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Cách này cũng có thể làm giảm các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân như chảy máu, tắc ruột…

Tác dụng chính của xạ trị trong ung thư đại trực tràng là khi ung thư dính vào cơ quan nội tạng hoặc dính vào thành bụng. Khi đó phẫu thuật viên không chắc có thể lấy hết được mọi tế bào ung thư, vì vậy nên dùng xạ trị để tiêu diệt những tế bào còn sót lại.

Với ung thư đại – trực tràng xạ trị ngoài được dùng nhiều nhất. Dùng xạ trị 5 ngày/tuần trong nhiều tuần, mỗi lần xạ trị chỉ phát tia trong vài phút. Một cách xạ trị khác dùng cho ung thư trực tràng là đưa tia vào qua ngã hậu môn lên trực tràng.

Những biến chứng của xạ trị:


  • Da bị kích thích
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy
  • Dấu hiệu trực tràng hoặc bàng quang bị kích thích và mệt mỏi.
  •  Ở nam giới có thể bị liệt dương.

Những biến chứng này chỉ thoáng qua, sau khi ngừng xạ trị chúng sẽ khỏi.

Hóa trị

Phương pháp hóa trị là dùng thuốc bằng đường tiêm truyền hoặc uống để diệt tế bào ung thư. Các thuốc này vào máu và đi khắp cơ thể vì thế phương pháp này có lợi thế cho trường hợp ung thư đã tiến triển xa.

Trong một số giai đoạn bệnh, dùng phương pháp này có thể làm tăng thêm thời gian sống cho người bệnh, đồng thời làm giảm triệu chứng khi ung thư đã tiến xa.

Một số trường hợp có thể tiêm thuốc chống ung thư vào mạch máu nuôi khối u. Đó gọi là hóa trị vùng. Vì thuốc đi thẳng vào bướu nên có thể ít có phản ứng phụ toàn thân. Hóa chất diệt tế bào ung thư nhưng cũng làm tổn hại tế bào bình thường gây ra các tác dụng phụ. Điều này phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng thuốc.

Tác dụng ngoại ý:


  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Chán ăn
  • Rụng tóc
  • Nổi mẫn ở chân tay và phù
  • Đau họng
  • Dễ nhiễm trùng
  • Dễ chảy máu nơi tiêm chích hoặc khi bị chấn thương
  • Cảm giác mệt mỏi

Tác dụng phụ này sẽ hết khi ngưng thuốc, chẳng hạn như không còn rụng tóc nhưng tóc có thể đổi khác.

Phòng ngừa ung thư đại-trực tràng


the duc Phòng và chữa bệnh ung thư đại   trực tràng

Thể dục thường xuyên chống ung thư  đại- trực tràng (Ảnh minh họa)

Hiện nay, có một số biện pháp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh này xuống. Một số cách điển hình như:

Test tầm soát

Giúp phát hiện sớm bệnh, điều trị sớm thường giúp trị tiệt căn. Tầm soát cũng giúp tìm ra và cắt políp, cũng là một cách phòng ngừa ung thư tốt.

Thực đơn ăn uống và thể dục

Hiệp hội ung thư Mỹ khuyến cáo nên dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, nên ăn trái cây và rau cải mỗi ngày cùng với hạn chế dùng thức ăn nhiều mỡ.
Một số nghiên cứu cho thấy hàng ngày dùng nhiều vitamin chứa axít folic có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại – trực tràng. Nghiên cứu khác cho thấy dùng Canxi cũng có lợi.
Thể dục hàng ngày cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại – trực tràng. Thời gian  là ít nhất 30 phút cho 5 ngày trong tuần hoặc hơn nữa.
Các yếu tố khác

Những người có tiền căn gia đình bị ung thư đại – trực tràng cần được xét nghiệm tầm soát ở tuổi nhỏ và thường xuyên hơn người bình thường.

Theo Hiệp hội ung thư Mỹ khuyến cáo, từ 50 tuổi nam hay nữ với mức độ nguy cơ trung bình cần thực hiện 1 trong 5 chọn lựa sau:


  • Hàng năm thử phân tìm chảy máu vi thể (FOBT hay FIT).
  • Nội soi đại tràng sigma mỗi 5 năm.
  • Hàng năm thử phân tìm chảy máu vi thể (FOBT hay FIT) kèm nội soi đại tràng sigma mỗi 5 năm.

Trong 3 khuyến cáo trên, giải pháp thứ ba được đánh giá cao nhất.

Thanh Mai_Daitrang.vn

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư trực tràng

Chướng bụng, tiêu chảy là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa thường gặp nên không ít người chủ quan, song đó có thể là triệu chứng ban đầu của ung thư đại trực tràng.
Dưới đây là những chia sẻ của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh về dấu hiệu của bệnh tiêu hóa. Khi có những triệu chứng này, bạn nên đến khám bác sĩ sớm để được điều trị kịp thời, dứt điểm.

1. Chướng bụng, ợ hơi

Đầy bụng là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn tiêu hóa. Bụng căng to, người bệnh ợ hơi liên tục. Hiện tượng này do lượng hơi tăng lên trong đường tiêu hóa.

Những nguyên nhân gây nên tình trạng chướng bụng: ăn nhiều chất tinh bột mà cơ thể không đủ hệ thống men để chuyển hóa hết; rối loạn vận động nhu động ống tiêu hóa làm cho dạ dày lúc nào cũng đầy thức ăn và thức ăn xuống ruột chậm; rối loạn hệ thống vi khuẩn trong đường tiêu hóa hoặc thần kinh lo âu, căng thẳng quá mức... Đây có thể là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, viêm, loét dạ dày, tá tràng, ung thư dạ dày, viêm đại tràng co thắt, ung thư đại trực tràng...

2. Đau bụng

Bụng bị đau là biểu hiện của nhiều chứng bệnh khác nhau, tùy mức độ và tình trạng. Khi bị đau bụng ở vùng bên phải kèm sốt, bạn cần nghĩ ngay đến viêm ruột thừa. Đây là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi. Mặc dù ruột thừa rất nhỏ và cắt bỏ ruột thừa viêm không phải là phẫu thuật lớn nhưng nếu phát hiện muộn, bệnh sẽ biến chứng thành viêm phúc mạc, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Vùng đau ở trên rốn (thượng vị) với biểu hiện đau âm ỉ kèm ợ chua là triệu chứng của bệnh dạ dày. Trong nhiều trường hợp, đau quặn bụng đi ngoài, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Nhưng với một số trường hợp, nó có thể là báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở vùng bụng.

Một trong những cách ngăn chặn hại khuẩn là bổ sung sữa chua chứa men vi sinh sống Probiotics

Một trong những cách ngăn chặn hại khuẩn là bổ sung sữa chua chứa men vi sinh sống Probiotics trong thực đơn hàng ngày để tăng số lượng lợi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột, xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh và hệ  tiêu hóa cân bằng.
3. Nôn mửa

Tình trạng nôn mửa sau khi ăn có thể do nhiễm khuẩn, ngộ độc, sốt, ho nhiều, ăn quá no, cơ thể dị ứng với đồ ăn hoặc lo lắng, hồi hộp quá mức. Ngoài ra, bị nôn cũng có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm như: viêm màng não, viêm ruột thừa hay tắc nghẽn đường ruột.

4. Chán ăn, khó tiêu

Chứng chán ăn, khó tiêu hay còn gọi là chóng no với biểu hiện kém ăn, ăn không ngon miệng mà vẫn luôn thấy đầy bụng trên vùng rốn. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều người mệt mỏi, sút cân. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng trên là: mệt mỏi, dùng thuốc kéo dài hoặc nguy hiểm hơn là loét dạ dày tá tràng, viêm ruột non, loạn khuẩn ống tiêu hóa, ung thư đại tràng... Do đó, khi bị chán ăn, khó tiêu mà nghỉ ngơi không hết, bạn nên đi khám bác sĩ để được xác định nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

5. Rối loạn thói quen đại tiện

Việc đi vệ sinh đột nhiên không đều đặn, lúc táo bón, lúc tiêu chảy hoặc một trong 2 biểu hiện trên kéo dài nhiều ngày được gọi là rối loạn thói quen đại tiện. Bệnh có thể do nhiễm khuẩn đường ruột hoặc cơ thể thiếu chất xơ để bài tiết, bạn có thể dùng thuốc điều trị hoặc men vi sinh để ổn định đường ruột.

Trong trường hợp, dùng thuốc nhiều ngày vẫn không khỏi, tiến triển bệnh ngày một trầm trọng hơn, kèm với biểu hiện đau bụng từng cơn thì bạn cần đi xét nghiệm sớm. Bởi nó có thể là dấu hiệu của một khối u đang lớn dần lên.

6. Đại tiện phân đen

Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng đi ngoài ra phân đen, có thể là do ăn uống (ăn thực phẩm có màu sậm như tiết, rau dền...) hoặc do bệnh lý. Thông thường, khi đi ngoài phân đen kèm với một số các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, thậm chí trụy tim mạch thì người bệnh có thể bị chảy máu thực quản do khối u, vỡ tĩnh mạch thực quản hoặc xuất huyết dạ dày. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh có thể nguy hiểm tới tính mạng.

7. Đại tiện ra máu

Các bệnh gây đại tiện ra máu gồm:

Trĩ: Hiện tượng chảy máu xuất hiện trong hoặc sau khi đại tiện,  máu màu đỏ tươi, ra kèm theo phân, lượng máu có thể nhiều hoặc ít tùy cấp độ trĩ.

Nứt kẽ hậu môn: máu màu đỏ tươi, nhỏ giọt hoặc chỉ thấy trên giấy vệ sinh. Nếu mới bị nứt kẽ, sau khi đại tiện, người bệnh sẽ thấy đau dữ dội.

Các bệnh đường tiêu hóa: máu có màu đen hoặc đỏ thẫm, bộ phận bị chảy máu thường là đoạn trên đường tiêu hóa. Nếu máu màu đỏ thì thường là chảy máu đoạn dưới đường tiêu hóa.

Ung thư trực tràng: Máu màu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân. Thời kỳ cuối, bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng lên, khi táo bón, khi tiêu chảy.

Polyp trực tràng và kết tràng: máu màu đỏ tươi, không đau, máu lẫn theo phân.

Viêm kết tràng do loét, bệnh lỵ: thường kèm theo dịch nhầy hoặc mủ, đau bụng dưới, sốt, đại tiện nhiều lần.

Tuy nhiên, các bệnh về đường tiêu hóa thường có biểu hiện khá giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Khi có những triệu chứng trên, người bệnh không nên tự mua thuốc uống mà cần đi khám bác sĩ ớm để được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời. Tốt hơn, bạn nên bảo vệ và chăm sóc hệ tiêu hóa hằng ngày bằng việc ăn uống đảm bảo vệ sinh, sinh hoạt điều độ, không nên thức khuya, làm việc và hoạt động mạnh ngay sau khi ăn... Ngoài ra, mọi người cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn sữa chua hằng ngày để bổ sung lợi khuẩn cho hệ vi sinh đường ruột.

Xuân Ngọc - Vnexpress